Thuyết dân số Thomas Malthus

Essay on the principle of population, 1826

Năm 1798, quyển sách của mục sư trẻ tuổi T. Malthus: "Kinh nghiệm về quy luật dân số" ra đời và chịu nhiều công kích. Vì vậy từ năm 1799-1802 T. Malthus đi du lịch các nước châu Âu để thu thập thêm kiến thức. 5 năm sau ông cho tái bản quyển sách trên với lời tựa khẳng định quan điểm chính không thay đổi: "Liên quan đến đến ý tưởng của tôi, tôi tin rằng, sẽ không có cải chính điều trước đây. Theo quan điểm đó cũng cần phải công nhận rằng, nghèo đói và khốn cùng của những tầng lớp thấp của xã hội là điều ác khó chữa. Nhưng nếu có điều gì sai lầm, ngoài ý muốn của tôi, tiềm ẩn trong nghiên cứu này, thì chúng không thể có ảnh hưởng lớn đến bản chất những trình bày của tôi" [1]

Ý nghĩa khoa học trong "Kinh nghiệm về quy luật dân số" là sự tiên đoán về những xu hướng kinh tế xã hội liên quan đến tăng dân số, là cơ sở lý luận cho các nghiên cứu sau này. Lý thuyết của T. Malthus chỉ ra nguyên nhân của nghèo đói bằng một tỷ lệ đơn giản giữa tốc độ tăng trưởng dân số với tốc độ tăng trưởng của cải – tương ứng với mức sống tối thiểu. Nội dung chính được thể hiện như sau: Trong điều kiện thuận lợi, dân số, nếu tăng theo cấp số nhân sẽ đạt số lượng gấp đôi sau 20-25 năm, còn sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng cần thiết chỉ tăng theo cấp số cộng, thì (dân số) sẽ không thể tăng thêm với tốc độ đó nữa. Khi đó, do bùng nổ dân số, nghèo đói sẽ đe dọa vận mệnh toàn nhân loại. Về mặt này T. Malthus chịu ảnh hưởng của lý thuyết phổ biến thời bấy giờ - quy luật giảm dần sự màu mỡ của đất. Đến năm 1826, cuốn sách của ông được tái bản lần thứ sáu.

Tuy nhiên các tính toán của ông đã không hoàn toàn phù hợp với thực tế, vì trong hai thế kỷ gần đây tốc độ tăng dân số vẫn xảy ra mà không bị cản trở bởi nghèo đói.

Về căn bản, ý tưởng trong tác phẩm trên không được các nhà Marxist công nhận. Họ cho đó chỉ là sự ngu dốt, vô tích sự, hoàn toàn biện hộ. Chịu công kích nhiều nhất là ý tưởng trọng tâm về sự ảnh hưởng của số dân và tốc độ tăng dân số lên phồn thịnh xã hội. Mặc dù T. Malthus chỉ đưa ra một dự đoán bi quan về số phận loài người và một đề xuất mang tính đạo đức, nhưng các nhà Marxist nhận thấy trong ý tưởng đó một nguyên cớ cho hành động của các thế lực phát xít.

Để bảo vệ cho lý thuyết của T. Malthus, các nhà nghiên cứu khác cho rằng ông đã nêu lên một vấn đề mang tính thời sự, và sử dụng lý thuyết này như một gợi ý cho việc tiến hành các chương trình cải cách xã hội. Chính ông cũng viết: "Bất kì bạn đọc nào cũng nên công nhận rằng, có thể có những sai lầm, nhưng mục đích thực tiễn mà tác giả của công trình này theo đuổi, là muốn cải thiện việc tham dự và tăng thêm hạnh phúc của các giai cấp xã hội thấp kém" [2]

Mặc dù ông không để ý tới sự điều chỉnh dân số qua việc sử dụng các dụng cụ tránh thai, nhưng gợi ý về một biện pháp như vậy là kết quả tự nhiên có được từ các ý tưởng của ông. Người đầu tiên tuyên truyền sử dụng rộng rãi các dụng cụ tránh thai để tránh sự bùng nổ dân số là Francis Place, khi đọc thuyết của Malthus, Place đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ và ông đã viết một quyển sách về các biện pháp tránh thai năm 1822.

Thuyết dân số của ông cũng có ảnh hưởng quan trọng vào các học thuyết kinh tế. Các nhà kinh tế bị ảnh hưởng bởi Malthus đã kết luận rằng, dưới những điều kiện bình thường, bùng nổ dân số làm giảm đáng kể mức lương tồn tại.

Quan điểm của Malthus còn ảnh hưởng tới những nghiên cứu về sinh học. Charles Darwin tuyên bố ông đã đọc Thuyết dân số và điều này mang đến cho ông một gạch nối quan trọng trong thuyết tiến hoá bằng chọn lọc tự nhiên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thomas Malthus http://www.naf.org.au/papers.htm http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a10405586 http://www.thesocialcontract.com/bookstore/product... http://cepa.newschool.edu/het/profiles/malthus.htm http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://katalog.nsk.hr/F/?func=direct&doc_number=00... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p068469845 http://www.econlib.org/library/Malthus/malPlong.ht... http://www.econlib.org/library/Malthus/malPop.html http://www.npg.org/projects/malthus/malthus_index....